Có một đội ngũ những tên tuổi lớn, gồm những người giành giải Nobel, những tỉ phú từ thiện, hiệu trưởng, học giả, tác giả ăn khách và các lãnh đạo kinh doanh, truyền thông và nghệ thuật, cũng từng phải cầm trong tay những lá thư từ chối phũ phàng.
Cả tỉ phú Warren Buffett và chủ show "Today" nổi tiếng Meredith Vieira đều thấm thía cảm giác đau đớn khi bị những trường đại học mơ ước từ chối, nhưng đó cũng là lúc đường đời đưa đến cho họ những người thầy thay đổi cuộc đời họ. Harold Varmus, người từng đoạt giải Nobel Y tế, đã bị Trường Y Harvard từ chối đến hai lần. Hiệu trưởng trường này còn khuyên ông nhập ngũ đi. Nhưng mọi chuyện chỉ còn là dĩ vãng khi ông quyết định chuyển sang xin học tại trường y của ĐH Columbia. Đối với những "người bị từ chối" khác, từ người đồng sáng lập Sun Microsystems - Scott McNealy, doanh nhân nổi tiếng Ted Turner đến nhà báo uy tín Tom Brokaw, những lá thư phũ phàng đó chỉ là những "va vấp nhỏ", nhưng họ sẽ nhớ mãi và sẵn sàng chia sẻ.
Chuyện bị từ chối chẳng có gì là lạ. ĐH Harvard chỉ nhận nhập học hơn 7% trong số 29.000 đơn xin học gửi đến trường mỗi năm. Tỉ lệ được nhận của trường Stanford cũng chỉ khoảng chừng đó mỗi năm.
"Sự thật là, tất cả những gì xảy ra trong đời tôi... mà ngay lúc đó tôi nghĩ là chuyện khủng khiếp, hóa ra lại là chuyện tốt", tỉ phú Buffett tâm sự. "Thất bại dạy bạn phải tiếp tục kiên cường bước tiếp", ông chia sẻ. "Bạn học được rằng một bước lùi tạm thời không phải là một bước lùi mãi mãi. Có khi nó lại là một cơ hội".
Warren Buffett - Chủ tịch Berkshire Hathaway Inc. Sau khi Trường kinh doanh Harvard lắc đầu, mọi thứ mà "tôi đã nghĩ là khủng khiếp vào thời điểm đó, hóa ra lại là chuyện tốt". |
Meredith Vieira - Chủ show 'Today' Nếu không bị Harvard từ chối, bà ngờ rằng mình sẽ không bao giờ làm báo truyền hình. |
Lee Bollinger - Hiệu trưởng ĐH Columbia |
Harold Varmus - Giải Nobel Y tế |
Ted Turner - doanh nhân |
John Schlifske - Chủ tịch Northwestern Mutual Bài học ông học được từ việc bị Yale từ chối mấy năm sau lại hữu ích cho cậu con trai Dan (đứng) khi cậu bị Duke từ chối. |
Tom Brokaw - nhà báo phát thanh truyền hình Việc bị Harvard từ chối đã khiến ông tĩnh tâm lại và bớt chơi bời. "Vấp váp ban đầu đó thực sự là điểm mốc cho sự bật lên của tôi". |
Ngài Buffett coi việc bị Trường kinh doanh Harvard từ chối năm 19 tuổi là một giai đoạn then chốt trong cuộc đời mình. Nhớ lại chuyện cũ, ông ngẫm rằng Harvard chưa chắc đã là nơi phù hợp. Nhưng chính lúc đó, ông đã "cảm thấy khiếp sợ" khi bị từ chối sau cuộc phỏng vấn tuyển sinh ở Chicago, và lo lắng khi nghĩ đến sự thất vọng của người cha.
Nhưng trái với lo lắng của ông, cha ông không thể hiện điều gì khác ngoài "một tình yêu vô điều kiện..., một niềm tin vô điều kiện đối với con trai", ngài Buffett nhớ lại. Tìm hiểu những lựa chọn khác, ông nhận thấy hai chuyên gia đầu tư mà ông ngưỡng mộ là Benjamin Graham và David Dodd, đều đang giảng dạy ở trường kinh doanh của ĐH Columbia. Ông làm vội một bản đăng ký muộn, mà nhờ một sự may mắn lạ thường, nó đã đến được nơi cần đến và được chính thầy Dodd chấp nhận.
Chính từ những người thầy này, ngài Buffett khẳng định, ông đã học được những nguyên tắc cốt lõi trong công việc đầu tư. Việc bị Harvard lừng danh từ chối xem ra lại là chuyện "Tái ông thất mã". Năm 2008, gia đình ông đóng góp cho trường Columbia hơn 12 triệu USD thông qua Quỹ Susan Thompson Buffett của hai vợ chồng ông.
Bài học về chuyện xấu hóa ra lại là chuyện tốt luôn đúng, ngài Buffett chia sẻ. Ông đã từng sợ nói trước đám đông đến nỗi hồi trẻ không ít lần ông đã bỏ cuộc trước khi bắt đầu. Thế là ông đăng ký một khóa học diễn thuyết của trường Dale Carnegie và khằng định những gì học được ở đây đã giúp ông... "tán đổ" người vợ tương lai, bà Susan Thompson, một "nhà vô địch tranh luận", ông kể. "Tôi thậm chí còn cầu hôn bà ấy khi chưa học xong", ông nhớ lại. "Nếu tôi chỉ là một gã ăn nói tầm thường thì còn lâu tôi mới dám làm thế".
Hiệu trưởng ĐH Columbia hiện nay, ông Lee Bollinger, cũng gặp phải cay đắng tương tự với Harvard. Nhưng trải nghiệm đó chỉ khiến ông thêm vững tin rằng chỉ chính mình mới định nghĩa được tài năng và tiềm năng của mình. Gia đình ông đã từng chuyển đến một thị trấn nhỏ tách biệt ở vùng nông thôn Oregon, nơi mà cơ hội học tập cũng rất hiếm hoi. Khi còn bé, ông đã từng đi làm phục vụ quét dọn ở một tòa soạn báo.
Ông Bollinger nhớ lại thời điểm đó: "Tôi cần phải làm việc cực kỳ chăm chỉ và tự dạy mình những gì mình cần biết", để theo kịp những sinh viên "đến từ những trường dự bị đại học tư, và được làm những bài tập mà tôi không được làm". Cùng lúc với việc nhận được thư từ chối của Harvard, ông nhận được học bổng của ĐH Oregon và sau đó tốt nghiệp Trường Luật Columbia.
Lời khuyên của ông là: Đừng để việc bị từ chối kiểm soát cuộc đời bạn. Để "sự đánh giá của người khác về bạn quyết định sự đánh giá của chính bạn về mình là một sai lầm lớn", Bollinger - một tác giả và học giả danh tiếng khẳng định. "Câu hỏi thực sự là, cuối cùng ai là người quyết định tài năng của bạn là gì, mối quan tâm của bạn ra sao? Đó phải là chính bạn".
Harvard cũng từng quay lưng với chủ show "Today", bà Meredith Vieira. Bà nhận được lời từ chối năm 1971 khi đang học năm cuối trung học. Lúc đó bà thực sự bị choáng. "Nói thật là hồi đó, tôi không chấp nhận nổi thực tế đến nỗi dù đã vào học năm đầu ở ĐH Tufts, thứ Bảy nào tôi cũng nhảy xe đến Harvard", bà kể. Nhưng Vieira đã gặp được một người thầy ở Tufts, ông đã khuấy động mối quan tâm về báo chí trong bà bằng cách cho bà đi theo thực tập. Nếu không có lá thư từ chối ngày đó, chính bà cũng ngờ rằng mình sẽ không bước chân vào lĩnh vực này.
Một nhà báo nổi tiếng khác, Tom Brokaw, cũng là một thiếu niên bị Harvard từ chối. Với ông đó là một trong một loạt thất bại khiến ông cuối cùng phải tĩnh tâm lại, bớt chơi bời và cố gắng học cho xong đại học rồi vào làm trong lĩnh vực phát thanh truyền hình. "Vấp váp ban đầu đó thực sự là điểm mốc cho sự bật lên của tôi", ông thừa nhận.
Tiến sĩ Varmus, người đoạt giải Nobel và hiện đang là Chủ tịch Trung tâm ung thư Memorial Sloan-Kettering ở in New York, đã vô cùng đau lòng với lần đầu tiên (trong hai lần) bị Trường Y Harvard từ chối. Ông xin vào học chương trình cử nhân văn chương ở Harvard, nhưng càng học càng nhận ra mình chẳng có tí hứng thú nghề nghiệp nào trong lĩnh vực đó.
Sau một năm, ông lại "đâm đầu" vào Trường Y Harvard và một lần nữa lại "bật ra". Hiệu trưởng trường này lúc đó trong buổi phỏng vấn còn "mắng mỏ" ông là "không kiên định và chưa chín chắn", rồi khuyên ông tốt nhất là nên nhập ngũ đi. Nhưng các thầy ở Trường Y Columbia, ngược lại, thấy ông "có năng lực ở cả hai nền văn hóa", khoa học và văn chương, ông nhớ lại.
Nếu bạn bị ngôi trường yêu thích từ chối, TS. Varmus khuyên, hãy toàn tâm toàn ý học tại ngôi trường nào chào đón bạn. "Sự khác nhau giữa các trường đại học có vẻ rất đáng kể khi bạn còn chưa vào học, nhưng sẽ chẳng còn là vấn đề lớn một khi bạn đến học ở ngôi trường thực sự đón nhận bạn", ông khẳng định.
Tương tự, John Schlifske, Chủ tịch công ty bảo hiểm Northwestern Mutual, cũng mất hết dũng khí khi nhận được thư từ chối của ĐH Yale. Là một cầu thủ bóng đá xông xáo ở trường, "Tôi muốn học ở Yale đến chết đi được", ông thú thật. Ông vẫn nhớ cái ngày ông đi học về và thấy lá thư được gửi tới. "Mẹ tôi cực kỳ háo hức khi đưa bức thư cho tôi", ông kể. Tim ông đập thình thịch khi nhìn thấy "cái phong bì mỏng kiểu cổ điển" đó, ông miêu tả. "Thật là đau đớn".
Nhưng ông tin rằng mình đã có những ngày tháng ý nghĩa hơn ở trường Carleton ở Minnesota. Ông kể mình đã nhận được một nền giáo dục "mang tính hiện tượng" và trở thành trung phong trong đội bóng của trường, ở Yale có khi ông sẽ phải ngồi ghế dự bị dài dài. "Ở đâu người ta cần mình vẫn tốt hơn chứ", ông nói.
Ông cũng chia sẻ trải nghiệm quý giá này với con trai năm 2006 khi Dan, con ông, bị một trong những trường mà cậu bé tha thiết muốn học nhất, ĐH Duke, từ chối. Rút ra từ kinh nghiệm của chính mình, người cha Schlifske bảo con: "Chỉ vì ai đó nói Không với con, không có nghĩa là ngoài kia không còn trường nào đáng học nữa, hay không còn trường nào đem lại cho con sự giáo dục tốt nữa". Dan cuối cùng đã chọn một trường khác mà cậu cũng yêu thích, ĐH Washington ở St. Louis, và giờ đã học đến năm cuối. Ông Schlifske chia sẻ: "Nó thích học ở đó lắm".
Bị không những Trường kinh doanh Stanford mà cả Trường kinh doanh Harvard từ chối, Scott McNealy đã luyện được đức tính kiên trì mà sau này đã trở thành cá tính của ông trong sự nghiệp. Học hành khá lớt phớt ở bậc cử nhân kinh tế ở Harvard, ông đã lo rằng "sẽ chẳng ai cho mình cơ hội khi tốt nghiệp đâu". Ông đã không ngừng cố gắng, làm quản đốc ở một nhà máy rồi thăng tiến dần trong ngành bán hàng. "Đến năm thứ ba sau khi ra trường, tôi đã rất chắc chắn rằng mình sẽ trở thành một nhà điều hành thành công". Cuối cùng cũng được Trường kinh doanh Stanford nhận vào học, ông đã gặp người đồng sáng lập Sun Microsystems, ông Vinod Khosla, và bắt đầu lãnh đạo Sun từ 22 năm nay.
Paul Purcell, người đứng đầu một trong số ít các công ty tư vấn kinh doanh vẫn vươn lên một cách vô sự trong suy thoái, Robert W. Baird & Co., nói ông thấy việc bị ĐH Stanford từ chối nhiều năm trước là bằng chứng cho thấy mình phải chăm chỉ hơn nữa. "Tôi coi đó là một dấu hiệu rằng, 'Thấy chưa, thế giới đang cạnh tranh khủng khiếp, và lần sau mình phải cố găng chăm chỉ hơn'", ông chia sẻ.
Ông tốt nghiệp ĐH Notre Dame và lấy bằng MBA của ĐH Chicago, và đến năm 2009, khi đang là nhà sáng lập, chủ tịch và giám đốc điều hành của Baird, ông được trao giải cho cựu sinh viên kinh doanh xuất sắc của Trường kinh doanh Booth thuộc ĐH Chicago. Công ty Baird vẫn đang làm ăn có lãi bất chấp suy thoái và đã mở rộng tài sản khách hàng lên đến 75 tỉ USD.
Đối với Ted Turner thì thời gian sẽ cho thấy ý nghĩa của những bức thư từ chối. Khi đang học trung học, cùng một lúc ông bị luôn hai trường danh tiếng, Princeton và Harvard, từ chối, ông kể trong một cuộc phỏng vấn. Nhà vô địch tương lai của nước Mỹ nhập học ở ĐH Brown, nơi ông trở thành đội trưởng đội đua thuyền. Ông bỏ học sau khi cha ông cắt nguồn viện trợ tài chính, và về làm ở công ty chuyên về dịch vụ thông tin của cha. Sau này ông đã biến chính công ty đó thành một đế chế truyền thông đã sinh ra CNN. Lúc đó ĐH Brown mới trao cho ông bằng cử nhân.
Các bi kịch tiếp theo thực sự có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ông, ông thừa nhận, trong đó có việc cha ông tự tử và em gái nhỏ của ông qua đời vì bệnh nặng. "Việc bị từ chối chẳng là gì so với việc mất đi những người thân yêu trong gia đình. Mất mát đó mới thực là khó vượt qua", ngài Turner chia sẻ. "Tôi muốn làm rõ một điểm rằng: Tôi đã làm được mọi việc trong đời mà không cần bằng đại học". Dù có bằng thì vẫn tốt hơn, ông thừa nhận, nhưng "bạn vẫn có thể thành công khi không có nó".
Đại An dịch
0 Response to "Những tên tuổi lớn từng nếm mùi thất bại"