1. Vụ việc nữ sinh Trường PTCS Lê Lai (Q8- t/p Hồ Chí Minh) đánh hội đồng gây ầm ĩ trong xã hội, dẫn đến sự kiện thầy Ngô Đức Bình, hiệu trưởng nhà trường đệ đơn từ chức, tôi thiết nghĩ, thầy cũng đã rất đau khổ, dằn vặt. Vì ở cương vị người quản lý giáo dục cơ sở, một người có chức năng tổ chức kiến tạo kiến thức, đạo đức cho công dân tương lai, bắt buộc từ bỏ mục đích cao cả của nghề, có gì buồn và đau hơn thế? Cho dù thầy viện dẫn lý do cá nhân- sức khỏe của mình.
Thầy Ngô Đức Bình. Ảnh: VNN |
Trước quyết định ra đi của thầy, ai trong hoàn cảnh ấy mà không cảm thấy nỗi cô đơn. Bởi họ- những người chở đạo học, dường như đã không còn cảm thấy được sự "tôn sư trọng đạo" của xã hội, không cảm nhận được sự ủng hộ tích cực của chính quyền. Thậm chí vì lòng nhiệt tình với nghề mà từng bị thân nhân của học sinh xúc phạm đến thân thể, nhân phẩm.
Người thầy, trong sự dồn nén nhiều tâm trạng, và "lực bất tòng tâm" chỉ có thể phản ứng yếu ớt bằng cách xa rời môi trường từng gắn bó biết bao buồn vui của đời mình. Đó thực là một nốt trầm lặng lẽ trong bản giao hưởng buồn của ngành giáo dục đương đại Việt Nam.
Tôi chia sẻ với thầy Bình. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà nhiều bậc phụ huynh học sinh, hay các đồng nghiệp trong ngành của thầy cũng cảm thấy thế. Xin từ chức, về hưu, có lẽ đó là lối thoát riêng khả dĩ cho thầy. Nhưng còn đồng nghiệp, các em học sinh của thầy thì sao? Lối thoát nào đây?
Đã hàng chục năm nay, những ai quan tâm đến giáo dục Việt Nam, đều không khỏi hoang mang, thậm chí chán nản, bất bình, vì sự xuống cấp của chất lượng giáo dục. Nhưng hầu như chúng ta biết mà vẫn cam chịu không lối thoát, vẫn "sống chung cùng lũ".
GS Hoàng Tụy. Ảnh: VNN |
2. Nếu ở trường hợp thầy Bình, ta mới chỉ thấy được sự "phản ứng" đầy bất lực của một người thầy ở cơ sở thì ở một trường hợp khác, ở những con người thuộc lớp trí thức lớn như thầy Hoàng Tụy, sự "phản ứng'', sự từ bỏ những mục đích cao cả của nghề lại diễn ra kiểu khác.
GS Hoàng Tụy với tầm tư duy nhìn xa, trông rộng đã nhận ra sự tụt hậu và bế tắc của ngành GD và ĐT ở góc độ vĩ mô, những khiếm khuyết, khuyết tật của một nền giáo dục chưa bao giờ thoát khỏi cái bóng của quá khứ- một nền giáo dục "hư học"- chữ ông từng dùng. Một nền giáo dục vừa xơ cứng về tư duy, vừa nặng nề về nội dung, chương trình, vừa lạc hậu về phương pháp.
Ông đã có nhiều đề xuất, giải pháp để giải cứu. Ông kêu gọi chấn hưng nền giáo dục nước nhà, coi như một mệnh lệnh khẩn thiết của cuộc sống.
Nhưng đáng tiếc, những ý kiến đóng góp tâm huyết của ông và nhiều trí thức nữa luôn rơi vào khoảng trống im lặng. Để rồi cuối cùng, năm vừa qua, ông có lá thư ngỏ buồn bã thừa nhận thất bại của mình, chấp nhận lặng lẽ "rút lui" vào tuổi già, khi mà tư duy giáo dục của ông chưa hề cỗi. Ông vẫn ở ngành giáo dục, nhưng sự im lặng của ông có khác gì một sự từ bỏ?
3. Rồi mới đây thầy Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD và ĐT cũng đã bàn giao nhiệm vụ quản lý giáo dục để trở thành nhà chính trị chuyên nghiệp. Tôi vốn đánh giá cao thầy Nguyễn Thiện Nhân khi thầy từ t/p HCM ra nhận trách nhiệm cao nhất của ngành.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: VNN |
Nhưng tôi thực sự hoài nghi những phong trào giáo dục, những cuộc vận động với cách làm xưa cũ, như từ những năm 70-80 của thầy. Cỗ máy GD và ĐT thì cổ hủ, quan liêu, xơ cứng...Ngành GD-ĐT vẫn đi theo lối mòn vốn có.
Thầy mới vén bức màn giáo dục lên một chút, đã thấy bao khối trầm tích lưu cữu tồn đọng. Chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học...đâu đâu cũng có những mớ rối bòng bong, và không biết gỡ ra từ đâu, bằng cách nào?.
Có thể thầy Nguyễn Thiện Nhân sẽ còn đi xa hơn hơn trên con đường quan lộ hanh thông của mình. Thế nhưng bây giờ rời Bộ GD và ĐT, có nghĩa là thầy cũng đến lúc phải nói lời chia tay. Cương vị mới, nhiệm vụ mới của nhà chính trị Nguyễn Thiện Nhân có thể vĩ mô hơn, nhưng tôi nghĩ ông cũng không thể nào thanh thản hơn khi nghĩ về những kỳ vọng của người dân như tôi, từng gửi gắm nhiều vào nhiệm kỳ GD và ĐT do ông làm Bộ trưởng.
Ba người thầy, ba điểm xuất phát khác nhau, ba lối thoát cá nhân khác nhau. Nhưng cả ba đều lần lượt rời bỏ mục đích cao cả của người thầy, với những lý do cá nhân hoặc lý do trách nhiệm chung.
Nhưng vẫn còn đây hơn một triệu giáo viên, họ liệu có "lối thoát" ra khỏi con đường giáo dục đang nhiều bí bức, khủng hoảng và tụt hậu? Hay hàng ngày họ vẫn phải gồng mình vật lộn trong guồng máy tư duy và hệ thống giáo dục xơ cứng, cũ kỹ, bảo thủ, tiếp tục cho ra sản phẩm giáo dục chất lượng thấp?
(Tít bài mượn ý lời một bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)
0 Response to "“Từng người thầy bỏ giáo dục, ra đi...”"